1 SỐ LOẠI BỆNH VỀ MÁU?

1. THIẾU MÁU THIẾU SẮT

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu.

Ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi bệnh thiếu máu do thiếu sắt hơn so với sự thiếu hụt vi các chất dinh dưỡng khác. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác, như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.

Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh. Về lâu dài tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là phụ nữ có thai. Do đó, cần nhận biết những dấu hiệu sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

2. BỆNH TAN MÁU BẨM SINH (THALASSEMIA) 

Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền. Mỗi thể bệnh là do bất thường tổng hợp một loại chuỗi globin; Có hai thể bệnh chính là alpha thalassemia và beta thalassemia; ngoài ra có các thể phối hợp khác như thalassemia và bệnh huyết sắc tố.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Người bị bệnh và mang gen có ở tất cả các tỉnh/thành phố, các dân tộc trên toàn quốc.

3. XUẤT HUYẾT GIẢM TIỂU KHỐI

Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (Thrombotic Thrombocytopenic Purpura- TTP) là một rối loạn hiếm gặp dẫn đến thiếu máu huyết tán vi mạch và giảm tiểu cầu. Trong bệnh này, các cục máu nhỏ hình thành trên khắp cơ thể của người bệnh nhưng những cục máu nhỏ này có thể hậu quả rất nặng nề.

Các cục máu nhỏ có thể chặn các mạch máu đến các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến làm tổn hại chức năng của các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như tim, não và thận.

Các cục máu nhỏ cũng có thể sử dụng quá nhiều tiểu cầu máu của bạn do đó máu của người bệnh sau đó có thể không thể hình thành cục máu đông khi cần bị chấn thương, và dẫn đến hậu quả là không thể cầm máu được

Các bệnh về máu cũng bao gồm các rối loạn tiểu cầu. Nếu số lượng tiểu cầu giảm trong máu và bạn bị bầm tím và chảy máu, có thể là bạn đang bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.

4. THIẾU MÁU HỒNG CẦU HÌNH LIỀM

Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm (tên tiếng Anh Sickle cell anemia) là một dạng thiếu máu di truyền do không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang đầy đủ oxy trong cơ thể người bệnh.

Thông thường, các tế bào hồng cầu của bạn rất linh hoạt và tròn, di chuyển dễ dàng trong các mạch máu. Trong bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, các tế bào hồng cầu trở nên cứng, dính và có hình dạng giống như lưỡi liềm hoặc mặt trăng khuyết. Những tế bào có hình dạng bất thường này có thể bị mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ, dẫn đến làm chậm hoặc chặn lưu lượng máu chứa oxy và dinh dưỡng đến các bộ phận của cơ thể.

Hiện nay, chưa có cách chữa trị cho người bị thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể làm giảm đau và giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến căn bệnh này.

5. BỆNH MÁU KHÓ ĐÔNG

Bệnh ưa chảy máu còn gọi là bệnh máu khó đông (Hemophilia) là một rối loạn hiếm gặp, trong đó máu của người bệnh không đông máu như bình thường vì do thiếu yếu tố đông máu trong chuỗi 12 yếu tố giúp đông máu. Nếu mắc bệnh ưa chảy máu Hemophilia, người bệnh có thể bị chảy máu trong thời gian dài, khó cầm máu hơn sau khi bị chấn thương so với người bình thường.

Bệnh ưa chảy máu là một bệnh làm cho máu không đông lại một cách thích hợp. Quá trình thành lập cục máu đông giúp ngăn ngừa chảy máu sau khi có vết thương. Nếu đông máu không xảy ra, một vết thương có thể chảy rất nhiều máu.

Chảy máu có thể ở:

  • Bên ngoài: trên bề mặt ngoài cơ thể, nơi có thể nhìn thấy được.
  • Bên trong: ở bên trong cơ thể, nơi không thể nhìn thấy được. Chảy máu bên trong khớp (như khớp gối hoặc khớp háng) thường gặp ở trẻ bị bệnh ưa chảy máu.

Bệnh ưa chảy máu là một rối loạn di truyền, có nghĩa đây là kết quả của một thay đổi về gen được di truyền từ cha mẹ của trẻ hoặc xảy ra trong quá trình phát triển trong tử cung. Tuy nhiên, khoảng 30% người mắc bệnh lại không có tiền sử gia đình có người mắc bệnh, do vậy có thể họ mắc bệnh là do đột biến gen.

Bệnh ưa chảy máu thường ảnh hưởng đến bé trai, với tỉ lệ 1 trường hợp trong mỗi 5000 – 10000 trẻ. Các bé gái mang gen bệnh hiếm khi mắc bệnh này, nhưng cũng như những người mang gen bệnh, chúng có thể di truyền gen này cho con cái.

Bệnh ưa chảy máu Hemophilia không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó, không lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

6. BỆNH BẠCH CẦU CẤP

Bệnh bạch cầu cấp  (hay ung thư máu) là bệnh lý do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra tế bào, những tế bào ung thư này nhân lên rất nhanh và nếu không được điều trị sẽ ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường tiếp theo

Bạch cầu cấp không thể chữa khỏi, tuy nhiên nhờ sự tiến bộ của các phương pháp điều trị thì kết quả điều trị đã được cải thiện đáng kể.

Bạch cầu cấp không phải là một bệnh lý đơn lẻ mà bao gồm nhiều loại bệnh trong đó có 2 loại chính:

  • Bạch cầu cấp dòng tủy (AML): do các tế bào dòng tủy bị ung thư hóa như bạch cầu hạt, hồng cầu, tiểu cầu mà không phải lympho
  • Bạch cầu cấp dòng lympho (ALL): do tế bào lympho bị tổn thương ung thư. Bạch cầu cấp trẻ em thường gặp ở dòng này hơn là dòng tủy.

7. HỘI CHỨNG RỐI LOẠN SINH TỦY

Hội chứng rối loạn sinh tủy (Myelodysplastic Syndrome – MDS) là một nhóm các rối loạn do các tế bào máu hình thành không bình thường hoặc không hoạt động gây ra. Hội chứng rối loạn sinh tủy xảy ra khi có bất ổn trong tủy xương, nơi sản sinh ra các tế bào máu.

Hội chứng rối loạn sinh tủy là bệnh khá nặng, dai dẳng và rất khó điều trị. Người bệnh có thể tử vong do các biến chứng như: nhiễm trùng, xuất huyết, ứ sắt do truyền máu nhiều lần gây suy chức năng các cơ quan hoặc do chuyển thành bệnh bạch cầu cấp.

Tuy nhiên những người mắc phải căn bệnh này vẫn có hy vọng được điều trị và thường vẫn có thể duy trì sự sống thêm nhiều năm sau khi chẩn đoán. Trong một số trường hợp, hội chứng rối loạn sinh tủy được điều trị bằng cách ghép tủy xương.

Hội chứng rối loạn sinh tủy có liên quan đến nhiều bất thường về nhiễm sắc thể. Hay gặp nhất là mất đoạn hoặc mất toàn bộ nhiễm sắc thể số 5 hoặc 7, ít gặp hơn là mất đoạn các nhiễm sắc thể số 9, 11, 12, 13, 17 hoặc 20.

Đặc trưng của bệnh là sự rối loạn quá trình biệt hóa và tăng sinh của các dòng tế bào máu gây nên tình trạng tạo máu không hiệu quả dẫn đến làm giảm 1, 2 hay 3 dòng tế bào trong máu ngoại vi kết hợp với những rối loạn hình thái và chức năng của 3 dòng hồng cầu, bạch cầu và mẫu tiểu cầu trong tủy xương.

Các dạng rối loạn sinh tủy gồm:

  • Đa hồng cầu nguyên phát: loại rối loạn này xảy ra khi tủy xương sản sinh quá nhiều tế bào máu, đặc biệt là các tế bào hồng cầu. Hơn 95% người bị đa hồng cầu nguyên phát mang đột biến gen JAK2V617F trong máu.
  • Tăng tiểu cầu thiết yếu: xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào tiểu cầu, làm máu bị vón cục. Cục máu đông có thể làm nghẽn mạch máu dẫn đến cơn đau tim hoặc đột quỵ.
  • Chứng xơ cứng tủy: xảy ra khi tủy xương sản sinh quá nhiều collagen hoặc mô xơ trong tủy xương làm giảm khả năng sản xuất các tế bào máu của tủy.
  • Bệnh bạch cầu mạn tính dòng tủy (CML): là một loại ung thư tủy xương, sản sinh ra bạch cầu hạt bất thường.

8. SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết có thể gặp ở người lớn hay trẻ em. Đây là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Virus này lây truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Trong đó, muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là loài muỗi truyền bệnh chủ yếu. Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.

Sốt xuất huyết thường có những triệu chứng giống với sốt do virus thông thường, do đó người lớn mắc sốt xuất huyết thường rất chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống, chỉ nhập viện khi các dấu hiệu sốt xuất huyết ở người lớn đã chuyển biến nặng. Để chẩn đoán căn nguyên virus Dengue, người bệnh cần được xét nghiệm huyết thanh:

  • Test nhanh: Dengue NS1 (tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu tiên của bệnh hoặc tìm kháng thể IgM từ ngày thứ 5 trở đi); xét nghiệm ELISA (tìm kháng thể IgM, IgG).
  • Test chậm như: xét nghiệm PCR, phân lập virus.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City


Cộng đồng người hiến máu Việt Nam là tổ chức phi lợi nhuận mới mong muốn giúp những người bệnh có máu để truyền khi cần và kết nối người hiến máu tình nguyện trên cả nước. Mời bạn tham gia cộng đồng của chúng tôi tại các địa chỉ sau:

Facebook group: https://www.facebook.com/groups/congdongnguoihienmau

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoihienmauvietnam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *