CÓ NHỮNG NHÓM MÁU NÀO?

 

Ở người, các nhóm máu được chia làm nhiều loại và mỗi loại có đặc trưng riêng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin thú vị về các nhóm máu, sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc Nhóm máu nào là nhóm máu hiếm ở Việt Nam.

 

> Hiến máu bạn cần biết thông tin cơ bản về máu

> 8 lợi ích của hiến máu đối với sức khỏe

> Danh sách điểm hiến máu cố định trên cả nước

1. CÓ BAO NHIÊU HỆ NHÓM MÁU?

Năm 1901, nhà bác học vĩ đại Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…

Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.

Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.

Ví dụ:

  • Hệ ABO có 4 nhóm máu: A, B, AB và O

  • Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dương và Rh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D)+ và Rh(D)-

Chỉ tính riêng 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh, đã có 8 nhóm máu phổ biến như: A+;  A-;  B+;  B-;  AB+;  AB-;  O+;  O- (A+ nghĩa là người đó vừa có nhóm máu A thuộc hệ ABO vừa có nhóm máu Rh(D)+ thuộc hệ Rh).

2. NHÓM MÁU TẠI VIỆT NAM?

  • Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu là A, B, O và AB. Dựa vào sự có mặt của kháng nguyên trên hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh (là huyết tương đã loại bỏ các yếu tố đông máu) có thể tóm tắt theo bảng sau:

Nhóm máu

Kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu

Kháng thể trong huyết thanh

A

A

Chống B

B B Chống A
O O Chống A và chống B
AB A, B

Không có kháng thể

Tỷ lệ người có các nhóm máu thuộc hệ ABO trong cộng đồng khác nhau ở từng chủng tộc. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là: nhóm O khoảng 45%, nhóm B khoảng 30%, nhóm A khoảng 20% và nhóm AB khoảng 5%.

  • Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dươngRh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D)+ và Rh(D)-. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-,  A-,  B-,  AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

3. NHÓM MÁU NÀO LÀ NHÓM MÁU HIẾM?

 

Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-,  A-, B-,  AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15% – 40% dân số.

Nhóm máu hiếm Rh(D) âm như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam).

Nguồn tham khảo: Cẩm nang vận động hiến máu tình nguyện, NXB Y học, 2013; Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương


Cộng đồng người hiến máu Việt Nam là tổ chức phi lợi nhuận mới mong muốn giúp những người bệnh có máu để truyền khi cần và kết nối người hiến máu tình nguyện trên cả nước. Mời bạn tham gia cộng đồng của chúng tôi tại các địa chỉ sau:

Facebook group: https://www.facebook.com/groups/congdongnguoihienmau

Fanpage: https://www.facebook.com/nguoihienmauvietnam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *