Máu và các chế phẩm máu là một loại “thuốc” đặc biệt, việc chỉ định đúng, sử dụng hợp lý máu và các chế phẩm máu là vô cùng quan trọng vì sai sót có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Truyền máu chỉ đạt hiệu quả khi truyền máu an toàn. Vậy thế nào là an toàn truyền máu?
Đọc thêm: Tác dụng của truyền máu và 2 hình thức cơ bản của truyền máu
Hiểu theo nghĩa rộng, an toàn truyền máu là không để xảy ra bất kì điều nguy hiểm nào cho người hiến máu, người bệnh nhận máu và người phục vụ truyền máu.
An toàn cho người hiến máu
Đây là nhiệm vụ hàng đầu vì nếu không đảm bảo an toàn cho người hiến máu thì sẽ không có người hiến máu. Đảm bảo an toàn cho người hiến máu bao gồm:
- Người hiến máu cần được tư vấn, khám lâm sàng, xét nghiệm tuyển chọn để nhiễm bện đảm bảo có nhận thức đầy đủ, thái độ đúng đắn và đủ điều kiện về sức khỏe để hiến máu an toàn. Những người không có đủ điều kiện về sức khỏe thì nhất định không tham gia hiến máu.
- Người hiến máu được đón tiếp, chăm sóc, tư vấn và hướng dẫn đầy đủ, chu đáo trước, trong và sau khi hiến máu.
- Người hiến máu được thông báo kết quả xét nghiệm, được tư vấn về bảo vệ sức khỏe và phòng chống các bệnh lây qua đường truyền máu để tiếp tục hiến máu nhắc lại và vận động mọi người cùng tham gia HMTN.
An toàn cho người nhận máu
Bao gồm các nội dung chính đó là an toàn về số lượng, an toàn về chất lượng máu và đảm bảo thực hiện đúng các quy định, quy trình về truyền máu.
- An toàn về số lượng máu: Người nhận máu được cung cấp đầy đủ và kịp thời lượng máu và chế phẩm máu cần thiết trong điều trị hàng ngày, khi cấp cứu và khi có thảm họa xảy ra. Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định “không có đủ máu thì không thể nói đến đảm bảo an toàn truyền máu”.
- An toàn về chất lượng máu: bao gồm đảm bảo chất lượng mỗi đơn vị máu và chế phẩm máu, an toàn về mặt miễn dịch và an toàn về các bệnh nhiễm trùng lây qua đường truyền máu, cụ thể:
-
Tất cả các đơn vị máu và chế phẩm máu truyền cho người bệnh đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.
-
Loại trừ được các đơn vị máu nhiễm bệnh để tránh lây cho người bệnh nhận máu bao gồm từ vận động để có người hiến máu an toàn đến khám, xét nghiệm sàng lọc bằng các phương pháp hiện đại, sử dụng truyền máu từng phần, truyền máu tự thân, lọc bạch cầu trước khi truyền…
-
Lựa chọn được các đơn vị máu tương đồng về nhóm máu để truyền cho người bệnh. Hạn chế đến mức thấp nhất các phản ứng do bất đồng miễn dịch giữa người hiến máu và người bệnh nhận máu.
3. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định, quy trình về truyền máu. Hạn chế đến mức thấp nhất những nhầm lẫn trong truyền máu.
An toàn cho nhân viên làm công tác truyền máu
Trong quá trình thực hiện công việc của mình (như lấy máu xét nghiệm, tiếp nhận máu, sàng lọc, sản xuất các chế phẩm máu…), những người làm công tác truyền máu rất dễ bị lây bệnh từ người hiến máu bị nhiễm bệnh. Mỗi ngày họ phải tiếp xúc với hàng trăm mẫu máu khác nhau. Với tỷ lệ nhiêm viêm gan B trong cộng đồng từ 10% đến 15%, viêm gan C từ 1% đến 2%… thì nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao. Do vậy, phải có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho họ và đó cũng là một điều quan trọng trong đảm bảo an toàn truyền máu.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện huyết học – Truyền máu Thành phố Cần Thơ
Cộng đồng người hiến máu Việt Nam là tổ chức phi lợi nhuận mới mong muốn giúp những người bệnh có máu để truyền khi cần và kết nối người hiến máu tình nguyện trên cả nước. Mời bạn tham gia cộng đồng của chúng tôi tại các địa chỉ sau:
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/congdongnguoihienmau
Fanpage: https://www.facebook.com/nguoihienmauvietnam