Hiến máu nhân đạo là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người, là truyền thống tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của người Việt Nam. Hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ KHÔNG có hại đến sức khỏe, điều đó được giải thích bằng các cơ sở khoa học và thực tiễn:
1. Việc hiến máu phải đảm bảo đúng hướng dẫn:
- Người hiến máu phải đáp ứng đủ và đúng các tiêu chuẩn theo quy định: về cân nặng, tuổi, huyết áp, thời gian giữa các lần hiến máu, lượng huyết sắc tố, lượng máu hiến…
- Việc hiến máu là hoàn toàn tự giác, dù là người hiến máu cho người thân, cho máu lấy tiền hay hiến máu tình nguyện.
- Trước khi hiến máu, người hiến máu được hướng dẫn, tư vấn đầy đủ và được yêu cầu hoàn thiện bảng trả lời câu hỏi. Trong đó, họ sẽ quyết định có đủ điều kiện để hiến máu hay không.
- Người hiến máu cần thực hiện đúng quy trình: chuẩn bị trước hiến máu, khám sức khỏe và xét nghiệm trước hiến máu, được theo dõi trong và sau khi hiến máu.
2. Dựa trên các bằng chứng khoa học.
2.1. Lượng máu có trong cơ thể và lượng máu hiến phù hợp.
- Một người trưởng thành khỏe mạnh, lượng máu có trung bình 70-80ml/kg cân nặng. Các công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, nếu hiến lượng máu không quá 9ml/kh cân nặng thì hoàn toàn không có hại tới sức khỏe.
- Như vậy nếu một người nặng 50kg, sẽ có khoảng 3.500ml máu, người đó có thể hiến tối đa 450ml máu/ lần thì không có hại cho sức khỏe.
2.2. Các thành phần máu có đời sống nhất định và thường xuyên được thay thế.
- Máu gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần có chức năng và đời sống nhất định và được thay thế hàng ngày. Ví dụ: hồng cầu có đời sống khoảng 120 ngày, mỗi ngày có khoảng 200-400 tỷ hồng cầu được sinh ra.
- Trong máu có 55% là huyết tương với thành phần chủ yếu là nước. Huyết tương thường xuyên được bổ sung và thay thế qua đường ăn, uống hàng ngày.
2.3. Khả năng bù trừ của cơ thể khi mất máu, hiến máu.
- Khi bị mất máu, ngay lập tức cơ thể huy động lượng máu được dự trữ nhiều trong gan, lách… để duy trì thể tích tuần hoàn và huyết áp.
- Đồng thời, sau khi hiến máu, tủy xương tăng sinh nhanh chóng để bù lại lại tế bào máu mất đi (thường cao hơn mức sinh lý bình thường). Khả năng sinh máu của tủy xương có thế tăng gấp 4-10 lần so với mức bình thường, giúp cho lượng máu được phục hồi kịp thời.
2.4. Các công trình nghiên cứu khoa học.
- Các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới, cũng như ở nước ta đã theo dõi diễn biến sức khỏe và các chỉ số về máu sau hiến máu. Ở nhiều đối tượng hiến máu khác nhau đã khẳng định: Sau khi hiến máu, các chỉ số lâm sàng không thay đổi, các chỉ số về máu có dao động nhưng trong giới hạn bình thường; ở người hiến máu nhắc lại trên 5 lần, chỉ số về máu được phục hồi nhanh hơn ở người hiến máu lần đầu.
- Theo tính toán, lượng máu được thay thế hoàn toàn trong 2 ngày sau hiến máu, hồng cầu được thay thế trong 4 – 7 ngày, như vậy, một “thế hệ” tế bào mới ra đời thay thể cho lượng hồng cầu đã hiến tặng.
2.5. Bằng chứng thực tiễn.
Mỗi ngày, trên thế giới có hơn 300.000 người hiến máu và ở nước ta có hơn 2.000 người hiến máu, nhiều người trong số họ đã hiến máu tới trên 100 lần, sức khỏe hoàn toàn bình thường và họ tiếp tục hiến máu. Đó là bằng chứng rõ nhất, chứng tỏ việc hiến máu không có hại tới sức khỏe.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện huyết học – Truyền máu Thành phố Cần Thơ
Cộng đồng người hiến máu Việt Nam là tổ chức phi lợi nhuận mới mong muốn giúp những người bệnh có máu để truyền khi cần và kết nối người hiến máu tình nguyện trên cả nước. Mời bạn tham gia cộng đồng của chúng tôi tại các địa chỉ sau:
Facebook group: https://www.facebook.com/groups/congdongnguoihienmau
Fanpage: https://www.facebook.com/nguoihienmauvietnam